Skip to main content

Bài 4: Các thực hành tốt Vệ sinh An toàn thực phẩm

YÊU CẦU CỦA BÀI:

  • Đối với học viên: sau khi kết thúc, học viên nắm được 6 nội dung thực hành tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Đối với giảng viên: có thể nêu các thực hành tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng tập trung đi sâu vào nội dung cho đối tượng cụ thể tập huấn.

Thời gian: 60 phút

I. Thực hành tốt bàn tay:

1. Rửa tay sau khi:
  • Đi toilet.
  • Tiếp xúc với thực phẩm sống.
  • Xì mũi.
  • Đụng tay vào các bề mặt bẩn, đổ rác, các loại hóa chất.
  • Gãi ngứa, ngoáy tai, ngoáy mũi hoặc đụng tay vào các bộ phận của cơ thể.
  • Hút thuốc.
  • Đụng tay vào súc vật.
  • Mỗi lẫn nghỉ giải lao.
2. Rửa tay trước khi:
  • Tiếp xúc với thực phẩm.
  • Chế biến.
  • Ăn.
3. Lau khô tay:

Sau khi rửa bằng khăn giấy dùng một lần, khăn bông sạch hoặc máy thổi khô. Cấm: lau khô, chùi tay vào quần áo, váy, tạp dề để làm khô tay.

4. Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch:

Cả gan bàn tay và mu bàn tay, cổ tay các khe ngón tay và nếp móng tay.

5. Không để móng tay dài:

Nếu có vết xước thì cần được băng bó bằng gạc không thấm nước và nên đi găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm.

image.png

II. Thực hành tốt vệ sinh cá nhân:

  1. Duy trì định kỳ hàng năm khám sức khoẻ và cấy phân tìm người lành mang trùng.
  2. Thường xuyên tắm rửa, gội đầu trước khi đi làm và sau khi đi làm về.
  3. Giữ móng tay ngắn và sạch sẽ.
  4. Thực hiện "Thực hành tốt bàn tay".
  5. Phải có quần áo công tác sạch sẽ, mũ chụp tóc khi tiếp xúc với thực phẩm.
  6. Băng bó vết thương, vết đứt tay bằng băng gạc không thấm nước.
  7. Không tiếp xúc với thực phẩm khi đang bị sốt hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm và các chứng bệnh: lao, lỵ, thương hàn, tả, ỉa chảy, mụn nhọt, són đái, són phân, viêm gan virus, viêm mũi, viêm họng mủ, các bệnh nhiễm trùng ngoài da, các bệnh da liễu, người lành mang trùng đường ruột.
  8. Không đeo đồ trang sức khi bắt đầu tiếp xúc với thực phẩm.
  9. Không dùng tay trực tiếp để bốc, chia thực phẩm.
  10. Không ho, hắt hơi, xì mũi, hút thuốc, nhai kẹo, cười, nói to trong khu vực chế biến và phục vụ ăn uống.

III. Thực hành bảo quản thực phẩm tốt:

  1. Thực phẩm cần được bảo quản lưu giữ trong khu vực, dụng cụ, trang bị chuyên dùng cho thực phẩm (tủ lạnh, buồng lạnh, kho lạnh...).
  2. Đồ đựng, bao gói thực phẩm phải an toàn, không thôi nhiễm, không thủng, không rỉ sét, có nắp đậy kín, dễ chùi rửa.
  3. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.
  4. Bảo đảm thời gian bảo quản.
  5. Không để ô nhiễm chéo trong quá trình bảo quản hoặc ô nhiễm từ môi trường, côn trùng.
  6. Không dùng các chất hoặc phương pháp bảo quản thực phẩm ngoài quy định.


Nhiệt độ:

  • Vi khuẩn sinh sôi nảy nở mau chóng khi nhiệt độ ở giữa 50C và 600C, đây gọi là vùng nhiệt độ nguy hiểm (temperature danger zone).
  • Quý vị phải đảm bảo là thời gian để thực phẩm trong vùng nhiệt độ nguy hiểm càng ngắn càng tốt.

IV. THỰC HÀNH 10 NGUYÊN TẮC VÀNG CHẾ BIẾN THỰC PHẨM AN TOÀN:

1. Chọn thực phẩm an toàn:

Trong khi có rất nhiều chủng loại thực phẩm, cần phải biết cách chọn được các thực phẩm an toàn như biết cách chọn thịt, cá, rau quả, thực phẩm bao gói sẵn...

image.png

2. Nấu kỹ thức ăn:

Rất nhiều thực phẩm sống, ví dụ như thịt gia súc, gia cầm, trứng và sữa chưa tiệt trùng có thể ô nhiễm bởi các vi khuẩn gây bệnh. Các thực phẩm cần được đun nấu kỹ trước khi ăn. Rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng.

image.png

3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín:

Thực phẩm nấu chín nguội dần khi để ở nhiệt độ thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển. Thời gian để càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. An toàn nhất, chúng ta nên ăn ngay thức ăn khi vừa được nấu chín.

image.png

4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín:

Nếu bạn muốn chế biến trước thực phẩm hoặc muốn giữ lại các thức ăn thừa, phải được bảo quản các thực phẩm đó ở điều kiện nhiệt độ nóng (gần hoặc trên 600C), hoặc lạnh (gần hoặc dưới 100C). Đây là nguyên tắc quan trọng nếu bạn muốn bảo quản thực phẩm qua 4 hoặc 5 tiếng. Tất cả loại thực phẩm cho trẻ em nên ăn ngay không nên bảo quản. Một lỗi thông thường, dẫn đến các trường hợp ngộ độc thực phẩm là do để một số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh. Trong một tủ lạnh có quá nhiều thực phẩm, thực phẩm nấu chín không có đủ độ lạnh nhanh cần thiết. Khi thực phẩm vẫn giữ được độ ấm lâu (trên 100C), vi khuẩn phát triển mạnh, nhanh đủ đạt tới mức độ gây bệnh.

image.png

5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn:

Đây là nguyên tắc tốt nhất để tránh cho vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản thực phẩm (bảo quản đúng cách có thể giảm bớt sự phát triển của các vi khuẩn nhưng không diệt được các sinh vật). Một lần nữa, đun kỹ nghĩa là thực phẩm phải được đun với nhiệt độ ít nhất là 700C.

image.png

6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín:

Thực phẩm nấu chín có thể ô nhiễm qua tiếp xúc với thực phẩm sống. Ví dụ, không nên chế biến thịt sống và sau đó lại dùng chung thớt và dao để thái thịt đã nấu chín. Làm như vậy sẽ tái sản sinh các sinh vật gây bệnh truyền qua đường thực phẩm.

image.png

7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ:

Rửa tay kỹ trước khi chế biến thực phẩm và sau khi có những công việc khác làm gián đoạn quá trình chế biến như sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ gây ô nhiễm khác. Sau khi chế biến thịt phẩm sống, chẳng hạn như cá, thịt hoặc thịt gia cầm, bạn nhớ nên rửa lại tay thật sạch trước khi bạn chế biến các thực phẩm khác. Và nếu tay bạn có vết thương, phải băng và bọc kín vết thương trước khi chế biến thực phẩm. Và luôn nhớ chính những con vật nuôi trong nhà như: chó, mèo, chim... thường là những tác nhân gây bệnh nguy hiểm mà có thể truyền qua tay của bạn vào thực phẩm.

image.png

8. Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh:

Thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm, bất kỳ bề mặt nào sử dụng để tiếp xúc thực phẩm phải được giữ sạch sẽ. Chỉ cần một mẩu nhỏ thực phẩm cũng sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn của các mầm bệnh. Khăn lau bát đĩa và các dụng cụ nấu nướng phải được thay và đem luộc thường xuyên trước khi tái sử dụng. Khăn lau sàn nhà bếp cũng phải được giặt sạch sẽ.

image.png

9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác:

Động vật thường chứa các vi sinh vật gây bệnh truyền qua đường thực phẩm. Cách tốt nhất bạn nên bảo quản thực phẩm bằng các vật chứa được đóng kín.


image.png

10. Sử dụng nguồn nước sạch:

Nước sạch là một yếu tố quan trọng đối với việc chế biến thực phẩm và làm đồ uống. Nếu không có nguồn cung cấp nước sạch, bạn có thể đun sôi nước trước khi sử dụng chế biến thực phẩm hoặc làm đá cho các đồ uống. Cẩn thận với bất kỳ loại nước dùng để chế biến bữa ăn cho trẻ em.

image.png

V. Thực hành tốt vận chuyển phân phối thực phẩm:

  1. Chỉ dùng trang thiết bị chuyên dùng cho thực phẩm để vận chuyển, tránh gây thôi nhiễm.
  2. Che đậy, bao gói thực phẩm an toàn, tránh gây ô nhiễm thêm vào thực phẩm.
  3. Giữ nhiệt độ an toàn cho từng loại thực phẩm trong quá trình vận chuyển.
  4. Không làm biến tính, thay đổi tính chất của thực phẩm trong quá trình lưu thông phân phối.
  5. Khi vận chuyển thức ăn và dụng cụ cho khách hàng cần để trong các vật liệu sạch sẽ, không độc, chắc chắn, che đậy kín không để hư hỏng, ô nhiễm.
  6. Đảm bảo đúng thời gian vận chuyển. Thức ăn chín, thời gian sau khi nấu đến khi ăn không để quá 2 giờ.

VI. Thực hành tốt nhãn mác thực phẩm:

1. Các thực phẩm bao gói sẵn phải có nhãn đầy đủ nội dung theo quy định:
  1. Tên hàng hoá thực phẩm: phải phù hợp với bản chất của sản phẩm.
  2. Xuất xứ hàng hóa và tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa.
  3. Định lượng của hàng hoá thực phẩm.
  4. Thành phần cấu tạo.
  5. Hạn sử dụng của sản phẩm, ngày sản xuất (nếu có).
  6. Hướng dẫn sử dụng và các lưu ý về sức khỏe khác (nếu có).
  7. Hướng dẫn bảo quản.
  8. Chỉ tiêu chất lượng sản phẩm chủ yếu.

image.png

2. Các thực phẩm tươi sống, chế biến không có nhãn mác, đồ ăn, đồ uống tiêu dùng trong vòng 24 giờ:
  • Phải biết rõ nguồn gốc an toàn.
  • Thức ăn phải được bảo quản sạch, chống ruồi bọ, mưa, gió, bụi.
  • Dụng cụ bao gói chứa đựng phải sạch không gây thôi nhiễm, ô nhiễm vào thực phẩm.